Pathway & Path - Goal Solutions

Kết hợp giữa mô hình ATM truyền thống và hệ thống livebank hiện đại

Thanh toán điện tử ngày càng phổ biến. Chia sẻ với TBNH, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia tài chính nói,  chúng ta đều nhận ra một thực tế là máy ATM truyền thống và thẻ ngân hàng vật lý đang ngày càng thu hẹp phạm vi tác dụng của mình đối với hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Nhất là sau đại dịch Covid-19, thói quen của người dân đã có nhiều thay đổi.

Điển hình, giao dịch bằng tiền mặt giảm đáng kể, thay vào đó là bước phát triển bùng nổ của các hình thức thanh toán điện tử, ứng dụng trên điện thoại di động. Các hình thức thanh toán này ngày càng tiện lợi đi kèm nhiều ưu đãi dành cho khách hàng.

Rõ ràng, trong xu thế phát triển thanh toán không dùng tiền mặt là định hướng lớn của Chính phủ, cả xã hội cùng hướng tới, do đó việc rút tiền mặt để chi tiêu thông qua ATM cần tiến tới giảm dần.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, việc sử dụng ATM để rút tiền hay dùng thẻ ngân hàng vật lý vẫn được một bộ phận người dân, đặc biệt là người trung và cao tuổi, người dân vùng nông thôn ưa chuộng. Vì vậy, dù xu thế thu hẹp dần mạng lưới cây ATM là tất yếu, tuy nhiên việc thu hẹp như thế nào còn là bài toán của mỗi ngân hàng.

Theo phân tích của PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, để tạo dựng và duy trì hoạt động hệ thống ATM, các ngân hàng phải chịu rất nhiều chi phí khác nhau. Chẳng hạn như mua sắm, lắp đặt ATM và các thiết bị phụ trợ đi kèm; thuê bảo trì, bảo dưỡng ATM định kỳ; thuê địa điểm đặt ATM, đường truyền viễn thông; chi phí xe cộ, nhân công áp tải tiền để thường xuyên thực hiện việc tiếp quỹ cho các ATM…

Đặc biệt là ngân hàng phải duy trì một lượng tiền không nhỏ tại két tiền ATM và phải dự trữ một lượng tiền lớn nữa để phục vụ thường xuyên cho công tác vận chuyển, tiếp quỹ ATM. Lượng tiền này không sinh lời cho các ngân hàng.

Thực tế, nếu đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiết kiệm nguồn lực, chi phí cho xã hội, khi đó mỗi chiếc di động của người dân chính là cây ATM.

Điều này giúp cho các ngân hàng cũng tiết giảm được nhiều chi phí duy trì hệ thống ATM, có cơ hội giảm lãi suất cho vay cũng như có thêm nguồn lực để đầu tư ngân hàng số, livebank… với nhiều chính sách ưu đãi, miễn phí giao dịch. Từ đó, giúp khách hàng vừa được nâng cao trải nghiệm, tiếp cận nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại hơn vừa tiết kiệm được một khoản phí đáng kể. Vì phần lớn các ngân hàng hiện thu phí rút tiền tại ATM nội mạng lẫn ngoại mạng với mức phổ biến 1.100 – 3.300 đồng/giao dịch.

Chia sẻ quan điểm về việc thu hẹp mạng lưới ATM, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh thận trọng cho rằng, cần được tính toán kỹ, sao cho vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, người dùng có trải nghiệm tốt hơn vừa có thể phục vụ tối đa mọi khách hàng, nhất là số lượng không nhỏ người dân chưa quen với ngân hàng số.

Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh phát triển livebank, nâng cấp hệ thống ATM hiện đại, các ngân hàng cũng có thể tính toán việc cân đối lại mạng lưới ATM, chuyển một số ATM về vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn – những nơi thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn khó khăn trong triển khai và việc tiếp cận của người dân với các dịch vụ ngân hàng hiện đại chưa được tốt.

Vì vậy, việc kết hợp giữa mô hình ATM truyền thống và hệ thống livebank hiện đại sẽ là lựa chọn của hầu hết các nhà băng. Trong dài hạn, các ngân hàng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ kênh ngân hàng hiện đại như internet banking, mobile banking… có nhiều chính sách ưu đãi cũng như công nghệ mới hiện đại hơn để thu hút người dùng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.

“Yếu tố an toàn, bảo mật phải được đặt lên hàng đầu, bởi niềm tin của người dùng sẽ quyết định tất cả. Người dân có tin tưởng thông tin, tài khoản của họ an toàn thì mới yên tâm giao dịch trên các kênh số”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý.